GIÁ QUẶNG SẶT ĐẠT MỨC CAO KỶ LỤC TRONG 5 NĂM DO NGUỒN CUNG THIẾU HỤT
Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá quặng sắt quay đầu tăng mạnh
3,9% lên mức 2.619.345 VNĐ/Tấn hôm qua sau phiên điều chỉnh giảm cuối
tuần trước. Xu hướng tăng của mặt hàng này kéo dài từ cuối năm 2018 và
tính đến nay, giá quặng sắt đã tăng gần gấp đôi giá năm ngoái.
Giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm do nguồn cung thiếu hụt từ Australia và Brazil. Thảm họa vỡ đập của công ty Vale (Brazil) hồi tháng 1 đã khiến hơn 240 người thiệt mạng và buộc các mỏ đóng cửa sản xuất. Vale dự kiến sẽ không trở lại sản xuất đầy đủ cho đến năm 2022. Tại các cảng của Trung Quốc, lượng quặng sắt dự trữ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán tình trạng giá tăng trong năm nay sẽ không kéo dài khi các nhà sản xuất chi phí cao hơn như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia quay trở lại thị trường. Ngoài ra những tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ – Trung cũng đang đè nặng lên ngành sản xuất Trung Quốc.
Ở Việt Nam, giá thép xây dựng tăng 200.000 – 250.000 đồng/tấn, tùy nhà máy, như thép cuộn hiện có giá bán lẻ gần 11 triệu đồng/tấn, thép cây phi 14 lên 240.000 đồng/cây, phi 16 giá 280.000 đồng/cây và phi 18 là 320.000 đồng/cây. Hiện thép cuộn loại 6mm, 8mm, 10mm dao động từ 14,5 – 14,84 triệu đồng/tấn, thép cây 14,5-15 triệu đồng/tấn.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngoài tác động của giá điện khiến giá thép tăng thêm tương ứng khoảng 8%, đồng thời giá quặng sắt cũng tăng mạnh nên các doanh nghiệp phải tăng giá bán thép thành phẩm. Dự báo, trong vòng 1 – 2 tháng tới, bước vào mùa mưa nên sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục giảm, gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép xây dựng. Ngoài ra, cạnh tranh trong nước sẽ càng gia tăng do các đơn vị mới sắp đưa vào hoạt động như thép Hòa Phát – Dung Quất, thép Tung Ho, thép Nghi Sơn.
Đối với xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép sang Mỹ trong giai đoạn 2010 – 2018, giá trị xuất khẩu có xu hướng biến động theo xu hướng biểu đồ hình sin, khi tăng tới 252% so với năm 2010 lên 429 triệu USD vào 2013. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đã giảm 24,1% so với 2013 xuống 325 triệu USD, sau đó phục hồi trở lại, đạt 503 triệu USD vào 2018.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép sang Mỹ tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2018 lên 250 triệu USD nhưng giá trị xuất khẩu sắt thép thô các loại sang Mỹ giảm nhẹ 9% so với cùng kì năm ngoái.