Bản tin thị trường hàng hóa trưa ngày 8/7/2019

CÁC MẶT HÀNG NÔNG SẢN GIAO DỊCH SÔI ĐỘNG SAU KỲ NGHỈ LỄ
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, thị trường hàng hóa đồng loạt giảm điểm phiên cuối tuần trước.

Nhóm nông sản trên sàn Chicago giao dịch sôi động trở lại sau ngày nghỉ lễ Quốc khánh của Mỹ. Bất chấp báo cáo xuất khẩu đậu tương rất lạc quan, giá đậu tương cùng 2 sản phẩm của nó là khô đậu tương và dầu đậu tương vẫn chịu áp lực giảm từ đề xuất của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) rằng lượng tiêu thụ nhiên liệu sinh học năm 2020 nên được hạn chế bằng mức năm 2019, đồng nghĩa với việc nhu cầu dầu đậu tương không có sự tăng trưởng năm tới. Ngoài ra, dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến thuận lợi ở các khu vực gieo trồng nông sản chính của Mỹ cũng là nguyên nhân cho phiên giảm này.

Các mặt hàng nhóm công nghiệp nhẹ sau khi kỳ nghỉ lễ cũng đã đồng loạt giảm điểm. Tại Colombia – một trong những quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, sản lượng cà phê trong tháng 6 đã tăng 11% và xuất khẩu tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến dư cung toàn cầu và gây áp lực giá cà phê, khiến giá giảm hơn 2%. Đường trượt giá trong bối cảnh đồng Real suy yếu, khuyến khích các hoạt động xuất khẩu tại Brazil và làm tăng nguồn cung. Trong khi đó, việc lượng bông dự trữ được bán trong các phiên đấu giá hàng ngày tại Trung Quốc vẫn duy trì ổn định có thể sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu bông tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới này và khiến giá bông giảm nhẹ.

Giá cao su trong nhóm kim loại nặng tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp do tốc độ bán xe ở Trung Quốc giảm mạnh bắt đầu từ tháng 4 đến nay. Nguyên nhân đến từ các yếu tố như nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, căng thẳng thương mại với Mỹ và đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn khí thải mới của 15 thành phố tiêu thụ ô tô lớn nhất của Trung Quốc, chiếm tới 60% doanh số xe hơi nước này.

Nhóm kim loại cũng gây bất ngờ với các mức giảm mạnh, dẫn đầu là bạch kim giảm 3,82% và quặng sắt giảm 5,40%. Dollar Index tăng tới 65 điểm sau số liệu việc làm của Mỹ cao hơn dự kiến, giảm kỳ vọng về việc FED sẽ cắt giảm lãi suất, thu hút dòng tiền của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, đồng thời gây áp lực lên toàn bộ thị trường kim loại, đặc biệt là kim loại quý.