GIÁ QUẶNG SẮT TIẾP TỤC GIẢM MẠNH 7,15%
Theo Sở giao dịch hàng hóa
Việt Nam, giá quặng sắt hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 giao dịch trên sàn
Singapore tiếp tục giảm mạnh 7,15% sau khi lao dốc hơn 10% tuần trước,
xuống mức 2.232.632 VNĐ/tấn. Áp lực đến từ việc nguồn cung quặng sắt
tăng lên khi mỏ quặng Vale khôi phục 1 phần sản xuất sau thảm họa vỡ đập
đầu năm, kết hợp với nhu cầu quặng của Trung Quốc đang giảm sút và tồn
kho lên mức rất cao do các hoạt động sản xuất chững lại khi chiến tranh thương mại leo thang.
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) cho biết, sản lượng thép thô toàn cầu 6 tháng đầu năm vượt 925 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, châu Á sản xuất 660,2 triệu tấn, tăng trưởng 7,4%.Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong giai đoạn này đạt 492,17 triệu tấn, tăng gần 10% so với năm trước. Sản lượng gang tăng 7,9% lên 404,21 triệu tấn. Sản xuất thép thô của Trung Quốc giảm trong tháng 7, do hai nhà máy sản xuất thép lớn (nằm ở địa thị Đường Sơn và Hàm Đan) thuộc tỉnh Hà Bắc đẩy mạnh việc giảm sản lượng nhằm cải thiện vấn đề ô nhiễm không khí địa phương. Bên cạnh đó, thị trường chịu áp lực vì nhu cầu xây dựng đang ở mức thấp.
Tại Việt Nam, sản xuất thép tháng 6 đạt hơn 2 triệu tấn, giảm 9,06% so với tháng trước, nhưng tăng 1% so với cùng kì năm trước. Sản lượng bán đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 6,35% so với tháng trước, nhưng tăng 4,3% so với cùng kì năm 2018.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt hơn 12,6 triệu tấn, tăng 7,7% so với cùng kì năm trước. Lượng bán hàng hơn 11,6 triệu tấn, tăng 9,8%. Trong đó, xuất khẩu thép đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng trưởng 6%.
Cơ cấu các nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới được thể hiện ở biểu đồ dưới đây, tính đến năm 2018, theo Trung tâm thương mại quốc tế (International Trade Center). Nhập khẩu quặng sắt năm 2018 đạt 114,9 tỉ USD, giảm 1,2% so với 2017. Trong đó, châu Á là nơi tiêu thụ lớn nhất thế giới, đạt 97,9 tỉ USD, chiếm 85,3% lượng nhập khẩu toàn cầu.